Đóng

Tin tức & Sự kiện

29 / 03 2022

CÂU CHUYỆN TUYỂN DỤNG

1623903618081-mau-dang-tin-tuyen-dung-thu-hut-ung-vien-6

Làm thế nào tuyển được người phù hợp là câu hỏi băn khoăn của nhiều nhà tuyển dụng. Chúng ta thường mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm các mẫu câu hỏi phỏng vấn, mất nhiều thời gian để xây dựng thương hiệu tuyển dụng, nhưng đôi khi chúng ta đang làm từ ngọn. Hãy dừng lại 10 giây để suy nghĩ về cái “gốc”. Hãy cùng nhau thảo luận nhé các bạn!

Chúng ta bắt nguồn từ hoạch định nguồn nhân lực để biết tình trạng thừa hoặc thiếu NNL. Đảm bảo việc tuyển dụng đúng người, đúng chỗ, đúng lúc.

Vậy muốn đảm bảo “3Đ” thì bạn cần biết tổ chức của mình có mục tiêu như thế nào và cần những con người có năng lực như thế nào để đưa vào mạng lưới tổ chức nhằm đạt được mục tiêu chiến lược?

Tài nguyên nhân lực là giới hạn, nhân tài không phải luôn có sẵn, thời gian giới hạn chỉ 24h/ngày nên phải tính toán: phân công ai làm gì? chọn lựa như thế nào, việc chọn đúng người có năng lực vào đúng việc là quan trọng còn hơn cả chiến lược. Chọn đúng người và tạo cơ hội để họ phát triển cũng là giúp ích cho công ty phát triển.

(Nhân tài ở đây được hiểu là những người: đam mê công việc, có trách nhiệm cao, có tinh thần làm việc tốt, luôn nỗ lực học hỏi và phát triển….có chuyên môn vững vàng…)

Trước hết bạn cần xây dựng tiêu chuẩn tuyển dụng (khung năng lực tiêu chuẩn để xác định chân dung ứng viên mà bạn cần trông như thế nào?), còn việc tuyển được người phù hợp hay không thì còn phụ thuộc cả vào cơ chế nữa.

Giống như thi hoa hậu, có tiêu chuẩn chiều cao, cân nặng, các số đo thì việc bạn chọn người phù hợp không quá khó khăn.

Bạn có tiêu chuẩn rồi, thì việc bạn nghĩ ra câu hỏi phỏng vấn không quá khó nữa, bạn cũng chẳng cần làm theo mẫu của người khác, mà chỉ cần thông thạo 1 số cách phỏng vấn Followup Q, Star, 5Why….là bạn có thể tự phỏng vấn và đánh giá được rồi.

Ví dụ, vị trí Trưởng phòng Nhân sự cần kiến thức gì? Kỹ năng gì? Tính cách ra sao? Động lực như thế nào? Thậm chí cần EQ, IQ ra sao… Thì bạn chỉ việc xoáy vào các tình huống để tìm hiểu các năng lực này ở họ. Bạn sẽ tập trung vào điều bạn cần và trọng tâm hơn, không bị lan man khi phỏng vấn. Câu hỏi phỏng vấn ngắn gọn, nhưng trọng tâm, hoặc 1 câu hỏi mà có thể khám phá vài năng lực.

Ví dụ: Khi bạn được nhận nhiệm vụ vị trí Trưởng phòng nhân sự ở 1 chi nhánh xa xôi, hẻo lánh, ít nhân tài, mà ở đó nhân viên dưới quyền bạn lại là những người yếu về năng lực, tinh thần làm việc chưa tốt, bạn sẽ làm gì để thúc đẩy năng suất và hiệu quả lao động để đạt được mục tiêu của tổ chức?

Chỉ 1 câu này thôi, các bạn vừa có thể đánh giá được năng lực “Phát triển và dẫn dắt đội ngũ”, năng lực “Tạo ảnh hưởng”, và “Tư duy quản trị”….của ứng viên. Trong bộ câu hỏi phỏng vấn cần đan xen các câu hỏi Yes/No, câu hỏi có lựa chọn và cả những câu hỏi mang tính tư duy, người trả lời phải phân tích tình huống để trả lời, để thể hiện năng lực.

Lưu ý: Phỏng vấn theo ASK hiện nay không còn mới, và cũng nên cần bổ sung thêm 1 số yếu tố về Tính cách, EQ, Động lực của cá nhân để xác định sự phù hợp.

Ví dụ: Vị trí Trưởng phòng Nhân sự Công ty A, chỉ cần năng lực kiến thức ở mức Khá, Nhưng lại rất cần khả năng dẫn dắt và tạo năng lượng cho đội nhóm, cần người này có tính cách thuộc yếu tố “Ổn định cảm xúc”, Chịu đựng căng thẳng tốt…thì mới có thể phù hợp với môi trường làm việc tại công ty A. Thì lúc này mục tiêu phỏng vấn và tìm kiếm người phù hợp của bạn không phải là 1 mớ câu hỏi cao siêu về chuyên môn nữa mà là 1 mớ câu hỏi phỏng vấn đề năng lực hành vi…

Chân dung ứng viên chúng ta cần đôi khi không phải là người giỏi nhất về kiến thức mà là cần sự phù hợp về tổng thể.

Chúng ta đang tìm mảnh ghép cho 1 bức tranh chưa hoàn chỉnh, vậy phải tìm mảnh ghép phù hợp.

Sau khi bạn có tiêu chuẩn tuyển dụng, việc tìm đối tượng phù hợp của bạn sẽ dễ dàng hơn

Các nội dung này chưa phải đầy đủ tất cả các hoạt động trong tuyển dụng nhưng cũng đủ để các bạn hình dung khi làm việc có hệ thống sẽ không bị rối. Đi từ gốc sẽ thấy mọi việc dễ dàng hơn.

Chúc các bạn thành công và hạnh phúc, bình an trong cuộc sống!

Nguồn: Nguyễn Thanh Xuân